Tôi đã thử tìm kiếm nhưng không thấy trên mạng có bất kỳ bài viết nào nêu đầy đủ và ngắn gọn về các biện pháp từ phòng cho đến thoát khỏi đám cháy nên quyết định gửi bài này. Bài viết dựa trên nhận thức của cá nhân tôi và những điều đã được chứng kiến, tiếp thu được. Dưới đây là 10 nguyên tắc quan trọng giúp bạn phòng tránh và sống sót khi xảy ra hỏa hoạn. 1. Ngõ phải có đường cho xe chữa cháy vào được. Đường cần rộng tối thiểu 3,5m. Cao tối thiểu 4,5m. Nhiều ngõ nhỏ hiện nay có xe ô tô đỗ tràn lan ra lòng đường, rất nguy hiểm nếu xảy ra cháy nổ, vì nhiều khi chủ xe không phải người có nhà tại đó, chỉ là thấy trống trải thì đỗ thôi, ban đêm họ ngủ ngon lành ở nơi khác mà không biết xe mình đang chặn xe cứu hỏa. 2. Trong nhà phải có bóng chữa cháy và bình chữa cháy. Bóng chữa cháy đặt gần nơi có vật liệu dễ cháy, gần ổ điện... Trong khi bình chữa cháy phải đặt ở nơi cách xa nguồn điện, cách xa vật liệu dễ cháy, có như vậy thì người trong nhà mới dễ dàng tiếp cận với bình này để sử dụng. Vật liệu dễ cháy gồm: giấy, bìa các tông, nhựa, túi nilon, gỗ, đồ điện tử như nồi cơm, tủ lạnh, TV... 3. Đảm bảo an toàn, khoa học cho đường điện. Đường điện cho còi báo cháy không được đi cùng đường điện chung, phải được nối với nguồn dự phòng. Mỗi tầng có hộp ngắt điện riêng cho từng phòng và cho cầu thang của tầng đó. Hộp điện tổng cũng có thể ngắt riêng của từng phòng và cầu thang. Hộp điện tổng không được lắp gần nơi để xe, không được để vật liệu dễ cháy bên cạnh. Khi có phòng nào trong nhà không sử dụng đến thì phải ngắt điện toàn bộ phòng đó. 4. Phân chia các khu vực hợp lý. Khu vực sạc pin xe điện, cắm đồ đun nấu phải tách riêng, đảm bảo rằng cho dù chúng có xảy ra cháy, nổ thì ngọn lửa cũng không lan đến gần những vật liệu dễ cháy. Cần mua xe điện chính hãng vì đã tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn, ví dụ có chế độ tự ngắt khi sạc đầy, bảo vệ quá dòng... Không mua xe điện giá rẻ trôi nổi trên thị trường hoặc xe tự chế. 5. Có trang bị chống cháy cá nhân. a) Quần áo: Loại hai lớp chịu nhiệt 300 độ giá 550k hoặc Quần áo tráng nhôm chịu nhiệt 1000 độ giá từ 1,7tr. Ủng chống cháy giá từ 200k trở lên. b) Mặt nạ phòng khói độc hoặc Bình oxy y tế mini + mặt nạ thở. Giá chỉ hơn 100k mỗi loại. Đối với mặt nạ phòng khói hàng xịn, nhập khẩu thì giá khoảng 1,1tr. Tùy điều kiện kinh tế để trang bị cho gia đình. Trang bị chống cháy phải được treo gọn, để sẵn ở nơi dễ dàng lấy. Nếu làm tốt các mục 1, 2, 3, 4, 5 nêu trên thì việc mua trang bị chống cháy không còn quan trọng, bởi gần như hỏa hoạn sẽ không bao giờ xảy ra. 6. Có thang dây đặt sẵn gần nơi có thể thoát hiểm. Đối với loại dây dù, thang 10m (3 tầng lầu) giá khoảng 700k - 800k, thang 20m (5-7 tầng lầu) giá 1,3tr - 1,5tr. Đối với loại dây inox thì giá khá đắt, 10m có giá 2tr, 20m có giá gần 4tr. Thông thường thang dây dù là đủ dùng, nó có khả năng chịu lực đến 2 tấn nên đủ cho 25-30 người bám vào thang cùng lúc. Có thể mua vài thang ngắn về móc vào nhau tạo thành thang dài. Tuy nhiên, đối với hộ gia đình sống ở chung cư mini thì có lẽ 01 thang 20m là đủ. 7. Đối với chung cư, chung cư mini, tòa nhà lớn. Phải lắp hệ thống chữa cháy tự động. Từ sân thượng phải có thang dây inox đủ dài để hạ xuống đất. Tuy nhiên, đối với tòa nhà cao trên 30m thì cách này có thể không hiệu quả, thay vào đó, nên thiết kế cầu thang sắt ngoài trời. Cầu thang thoát hiểm bên trong tòa nhà phải kín, không thông với cửa ra vào của các căn hộ. Cửa là loại tự động đóng. 8. Dễ dàng thoát hiểm từ chuồng cọp. Hiện nay, sau nhiều vụ cháy mà nạn nhân không thể thoát ra ngoài từ ban công do vướng chuồng cọp thì nhiều gia đình đã làm thêm cửa cho chuồng, tuy nhiên vì đề phòng trộm cắp, họ thiết kế cửa theo cách mà bên ngoài không thể hoặc rất khó tác động đến khóa, chỉ cho phép người bên trong mở ra. Điều này là không nên! Chúng ta hãy nghĩ đến tình huống nếu người trong nhà bị ngất vì ngạt khói, không kịp ra ban công để mở chuồng cọp thì sao? Lúc này chuồng cọp càng chắc chắn sẽ càng ngăn cản đội ngũ cứu hỏa. Giữa phòng và ban công đã có cửa ngăn cách để chống trộm rồi, bởi vậy không nên làm chuồng cọp quá chắc chắn. Chuồng cọp chỉ nên được sử dụng với mục đích tránh cho trẻ em và người già bị ngã, còn từ bên ngoài vẫn nên mở được bằng chốt hoặc thông qua việc cắt/phá khóa. 9. Khi phát hiện có cháy lớn trong nhà: a) Gọi cho 114 (số cứu hỏa) để báo về đám cháy; b) Xả các vòi nước cho tràn ra phòng; c) Đeo mặt nạ phòng khói hoặc mặt nạ thở. Trường hợp không có mặt nạ chuyên dụng thì dùng khăn ướt buộc quanh mũi và miệng; d) Mặc quần áo chống cháy. Trường hợp không có quần áo chống cháy thì mặc quần áo dài và dầy rồi xả nước làm ướt hết cơ thể, hoặc xả nước làm ướt ga giường, khăn trải bàn, chăn mỏng rồi trùm lên. Không nên xả nước làm ướt những thứ nặng như chăn bông, sẽ khiến bạn khó di chuyển hơn; * Nếu chắc chắn có thể thoát hiểm tốt bằng ban công, không cần phải chạy ngang qua đám cháy, không tiếp xúc gần với nguồn nhiệt, tức không có nguy cơ bị bỏng thì bỏ qua bước này. e) Nếu chạy ngang qua đám cháy thì phải cúi người thấp xuống, thậm chí không gấp quá thì bò, vì khói bay lên cao, cúi thấp sẽ giảm được lượng khói độc phải hít vào. Đặc biệt phải tuân thủ điều này nếu không có mặt nạ phòng khói hoặc mặt nạ thở; f) Nếu không chắc chắn đâu là lối thoát hoặc không thể chạy ra lối thoát, tuyệt đối không được chạy loạn mà phải tìm chỗ cách xa vật liệu dễ cháy nhất và an toàn nhất có thể. Trường hợp xung quanh có vật liệu dễ cháy thì dọn dẹp chúng để ngọn lửa không lan đến. Sau đó gọi 114 nêu rõ vị trí đang ở đâu, nhờ họ hướng dẫn cách thoát ra. Chú ý: Những căn hộ có cổng trời thì khi đám cháy xuất phát từ tầng hầm hoặc tầng 1, gió sẽ được hút lên cao dọc theo cầu thang, lúc này việc chạy ra cầu thang để lên sân thượng có thể là rất nguy hiểm vì phải vượt qua lượng khói độc dày đặc. Nếu đang ở trong phòng, đôi khi việc bạn cần làm chỉ đơn giản là dùng khăn hoặc quần áo đã được xả ướt để bịt kín cửa ra vào nhằm hạn chế khói, sau đó ra ban công để chờ cứu hộ. 10. Thường xuyên diễn tập PCCC. Theo Điều 10 Thông tư 149/2020/TT-BCA thì phương án chữa cháy của cơ sở phải được tổ chức thực tập ít nhất một lần một năm. Nhưng theo tôi điều này là quá ít. Phải tập thường xuyên, không chỉ tại các cơ sở mà ngay tại hộ dân, ít nhất 03 - 04 tháng một lần, có như vậy mới tạo thành thói quen và phản xạ, một khi biết có cháy thì không còn bất cứ ai luống cuống, hoảng sợ mà sẽ làm theo đúng những gì đã được đào tạo. Sự nguy hiểm của ngọn lửa cũng đâu thua gì bom đạn, nên khi có cháy thì mọi cư dân trong tòa nhà phải hành động như trong thời chiến, nói cách khác là hành động với kỷ luật và tinh thần như quân nhân để đảm bảo sống sót. Quân nhân mà chỉ luyện tập một lần một năm thì quên sạch kiến thức, việc diễn tập ứng phó với đám cháy cũng tương tự, cần phải thực hành nhiều hơn.
Anh em nên chia sẻ cho bạn bè, người thân để hiểu hơn về cách phòng và bảo vệ bản thân trước đám cháy.
Trong số 2000 căn này chắc rất ít căn có biện pháp an toàn về PCCC. Nói chung giờ đi thuê phòng trọ hoặc chung cư mini phải rất thận trọng, xem trước ở nơi đó thực hiện PCCC thế nào, có lối thoát hiểm an toàn hay không.
chung cư mini nào chuẩn bị được đầy đủ thế này thì sẽ không có án mạng xảy ra nữa khổ , gần 60 người tử nạn vụ hôm 12/9