8 cách để ăn nhiều thực phẩm chứa lợi khuẩn Ăn sữa chua, rau củ muối chua, bổ sung thực phẩm giàu chất xơ hòa tan… mỗi ngày giúp tăng cường lợi khuẩn, hệ tiêu hóa và miễn dịch khỏe mạnh. Probiotic là những vi khuẩn tốt (lợi khuẩn) có thể hỗ trợ đường ruột khỏe mạnh, hỗ trợ điều trị các vấn đề tiêu hóa như táo bón, hội chứng ruột kích thích và chức năng miễn dịch. Probiotic có trong một số loại thực phẩm và đồ uống mà mọi người có thể chọn dùng để tăng lượng lợi khuẩn cho đường ruột. Bữa sáng với sữa chua, quả mọng và hạt Bạn có thể bắt đầu ngày mới với một bát sữa chua kèm một ít granola (ngũ cốc thập cẩm) và quả mọng giàu chất chống oxy hóa. Sữa chua bổ sung các vi khuẩn sống thúc đẩy sự phát triển của lợi khuẩn trong đường ruột. Sữa chua càng ít đường thì càng tốt. Thêm sữa chua vào các món ăn Chế biến sữa chua thành nước sốt, nước chấm, gia vị cho các món trộn... giúp bổ sung lợi khuẩn. Tuy nhiên, bạn chú ý không làm nóng sữa chua vì sẽ giết chết các vi khuẩn tốt. Uống sữa chua kefir Kefir là một loại thức uống từ sữa nuôi cấy bằng nấm sữa, có vị chua và ngậy, chứa nhiều lợi khuẩn. Kefir nguyên chất có lợi cho sức khỏe hơn các loại có hương vị thường chứa thêm đường. Nếu cảm thấy kefir chỉ có vị quá chua, bạn có thể chế biến thành món sinh tố trái cây để tăng hương vị và dinh dưỡng. Uống trà kombucha Kombucha là một loại thức uống lên men giàu lợi khuẩn được làm từ trà, đường, vi khuẩn và men, có thể thay thế cho các sản phẩm sữa giàu vi khuẩn tốt như kefir hoặc sữa chua. Thức uống này phù hợp với người ăn thuần chay và không dung nạp sữa. Ăn sữa chua mỗi ngày để tăng cường lợi khuẩn. Ảnh: Freepik Ăn rau củ muối chua Dưa cải bắp, củ cải muối, kim chi hay bất kỳ loại rau củ muối chua, lên men nào cùng đều chứa lợi khuẩn, tốt cho hệ tiêu hóa. Thêm thực phẩm này vào các bữa ăn phụ và chính, món ăn nhẹ như salad... hỗ trợ hệ miễn dịch. Kim chi chứa nhiều vi khuẩn lành mạnh như lactobacilli. Nó là món ăn kèm ngon miệng cho các món châu Á như cơm, đồ xào và thịt nướng. Sử dụng tương nén Tương nén là một món ăn truyền thống bằng đậu nành lên men xuất xứ từ Indonesia, được nén lại thành từng thanh, khối còn được gọi là tempeh. Món ăn này rất giàu lợi khuẩn, protein, chất xơ và chất chống oxy hóa tốt cho hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch. Bạn có thể sử dụng tempeh chế biến thức ăn, nước chấm cho các món ăn. Thêm tương miso vào món ăn Tương miso là đậu nành lên men có chứa vi khuẩn tốt cho sức khỏe, bắt nguồn từ Nhật Bản. Chế biến các món canh, súp với tương miso giúp bổ sung thêm lợi khuẩn cho cơ thể. Tuy nhiên, nhiệt độ cao có thể giết chết men vi sinh, loại bỏ khả năng tăng cường sức khỏe của chúng. Do đó, bạn nên thêm tương miso khi súp, canh, món ăn đã nguội để bảo tồn nhiều vi sinh vật có lợi. Bổ sung thực phẩm giàu prebiotic Prebiotic (chất xơ hòa tan) là thành phần không thể tiêu hóa được tìm thấy trong một số loại trái cây, rau và một số thực phẩm khác giúp thúc đẩy sự phát triển của lợi khuẩn trong ruột. Các thực phẩm chứa nhiều prebiotic như táo sống, chuối, măng tây, đậu, atisô, tỏi , hành và tỏi tây, các loại thực phẩm làm từ lúa mì và đậu nành. https://vnexpress.net/8-cach-de-an-nhieu-thuc-pham-chua-loi-khuan-4608781.html