Thứ Năm, ngày 24/02/2022 07:23 AM (GMT+7) Thời gian qua một số người bất ngờ khi test nhanh phát hiện tái dương tính với SARS-CoV-2 trong khi mới khỏi bệnh được vài tuần hoặc vài tháng. Các chuyên gia nhận định cần sớm có đánh giá, báo cáo về việc tái nhiễm để có những ứng phó phù hợp trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. Sự kiện: Tin tức COVID-19 Bất ngờ tái nhiễm Đại gia đình bà V.Th.Ng. (67 tuổi, ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) có 10 người, cao tuổi nhất là cụ bà hơn 100 tuổi, nhỏ nhất là 2 bé song sinh mới hơn 1 tuổi, đều mắc COVID-19 và khỏi trước Tết Nguyên đán khoảng 2 tuần. Cách đây 4 ngày bà Ng. thấy sốt, ho nên test thử thì phát hiện dương tính. Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Thái Hà “Mấy hôm trước có nhà hàng xóm thân thiết mắc COVID-19, ông bên đó bị phổi tắc nghẽn mãn tính khó thở nên tôi và ông nhà bê máy thở ô xy sang cho mượn. Nghĩ là mình mới khỏi bệnh, cơ thể có đề kháng và từng tiêm 2 mũi vắc xin sẽ khó mắc lại nên tôi chủ quan không đeo khẩu trang. Hai hôm sau thấy sốt, ho nên test nhanh đã thấy 2 vạch”, bà Ng. cho biết. Lí giải về vấn đề tái nhiễm COVID-19 của người bệnh, TS Phạm Quang Thái, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay: “Điều lạ ở virus SARS-CoV-2 khi tấn công vào cơ thể lần đầu tiên, để lại miễn dịch không cao. Đây là cơ sở cho nguy cơ tái nhiễm. Thế giới và Việt Nam đã ghi nhận các trường hợp tái nhiễm với các chủng virus SARS-CoV-2 khác nhau. Ở chủng Delta, tỉ lệ tái nhiễm là 1% và chủng Omicron thì số ca tái nhiễm cao hơn”. Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Ôxy cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga (Bộ Quốc phòng) cho biết, hiện đã xuất hiện tình trạng tái nhiễm, tuy nhiên rất hiếm khi xảy ra ngay sau khi bệnh nhân mới khỏi bệnh. “F0 sau thời gian điều trị, xét nghiệm PCR âm tính, nhưng sau đó lại tái dương tính, có thể do quá trình lấy mẫu chưa đúng. Hoặc, cơ thể người bệnh chưa hết hẳn virus, vẫn còn lại xác virus, nhưng đề kháng kém nên virus tiếp tục nhân lên. Có nhiều người dù không có triệu chứng gì đặc biệt, nhưng 15-20 ngày rồi, virus vẫn chưa hết hẳn, chỉ số CT vẫn dao động ở khoảng 25-30. Với các trường hợp này, cần ăn uống, luyện tập, nghỉ ngơi tốt hơn để sớm có kết quả PCR âm tính”, bác sĩ Hoàng nói. TS Thái cho biết thêm, phần lớn người nhiễm đều ở thể nhẹ vì bệnh nhân đã có miễn dịch từ lần nhiễm trước. “Các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra, tiêm vắc xin COVID-19 vẫn có thể nhiễm bệnh nhưng sẽ làm giảm các triệu chứng tăng nặng và nguy cơ tử vong ở người bệnh. Sau khi mắc COVID-19, những người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi vắc xin COVID-19 nên tiêm đủ, tránh suy nghĩ đã có miễn dịch rồi mà không chích ngừa vắc xin. Mũi vắc xin tiêm sau khi mắc bệnh đã được chứng minh tăng kháng thể rất nhiều, góp phần hạn chế nguy cơ tái nhiễm, thậm chí hạn chế cả những hội chứng hậu COVID-19”, TS Thái thông tin. Cần có nghiên cứu trường hợp tái nhiễm Khẳng định có thể xuất hiện tình trạng tái nhiễm, tuy nhiên bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương lưu ý cần phải phân biệt rạch ròi giữa tái nhiễm và tái dương tính. Theo đó, tái dương tính là tình trạng được ghi nhận khi người mắc đang trong diễn biến của bệnh. Họ từng có giai đoạn xét nghiệm cho kết quả âm tính, sau đó dương tính. Trong khi đó, tái nhiễm SARS-CoV-2 được hiểu là tiếp tục mắc COVID-19 sau khi đã khỏi hoàn toàn. “Với những trường hợp này, các bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm kiểm tra kháng nguyên, kháng thể, nuôi cấy virus... Căn cứ vào kết quả cùng các yếu tố lâm sàng và dịch tễ, bác sĩ sẽ xác định họ khỏi COVID-19 hay chưa, tái dương tính hay tái nhiễm. Nếu tái nhiễm tức là lần nhiễm sau bệnh nhân đó mang virus sống chứ không phải mảnh xác virus tồn lưu từ lần nhiễm trước”, bác sĩ Cấp giải thích. Đồng thời lí giải thêm, có một số trường hợp có thời gian mang virus rất dài tới 174 ngày, nên cơ sở thứ 2 để khẳng định một người có tái nhiễm hay không vẫn phải căn cứ vào nuôi cấy virus, giải trình tự gene. Nếu hai lần nhiễm mà mắc hai chủng khác hẳn nhau thì chắc chắn đó là tái nhiễm. Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), khẳng định đã ghi nhận một số ca tái nhiễm, thậm chí sau khi đã tiêm vắc xin mũi 3. Điều này được ghi nhận trong những báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới cũng như một số nước trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, Bộ Y tế chưa công bố bất cứ nghiên cứu, thống kê, số liệu cụ thể về vấn đề này. “Chúng ta cần phải có số liệu để đánh giá cụ thể về vấn đề tái nhiễm, có thêm những biện pháp ứng phó cho phù hợp. Cần xem xét tỉ lệ tái nhiễm là bao nhiêu, khoảng cách giữa hai lần mắc như thế nào? Ngoài ra, phải giải trình tự gene để xem chủng mắc là gì, có phải mỗi lần mắc là một chủng khác nhau hay không? Điều này có ý nghĩa quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh”, TS Phu nói. Nguồn: https://tienphong.vn/khoi-covid-19-van-co-the-tai-nhiem-post1418522.tpo