Y tế/Sức khỏe Lý do một số người không dương tính dù tiếp xúc F0

Thảo luận trong 'Tin tức' bắt đầu bởi dungthuy28, 4/3/22.

  1. ANHMột số người chung sống hoặc tiếp xúc bệnh nhân Covid-19 song chưa từng xét nghiệm dương tính, các chuyên gia cho rằng họ miễn nhiễm nCoV do trí nhớ miễn dịch từ tế bào T.

    Một trong những bí ẩn lớn nhất xuất hiện từ đầu đại dịch đến nay, vẫn được các chuyên gia bệnh truyền nhiễm nghiên cứu là lý do khiến một số người miễn nhiễm với nCoV.

    Danny Altmann, giáo sư miễn dịch học tại Đại học Hoàng gia London, cho biết khả năng lây bệnh từ gia đình thực tế "không cao như tưởng tượng".

    Trí nhớ của tế bào T và miễn dịch chéo

    Nghiên cứu của Đại học Hoàng gia Anh, công bố tháng trước, cho thấy người có mức tế bào T (tế bào miễn dịch) cao từ những lần nhiễm virus corona dạng cảm lạnh trước đó thì ít khả năng mắc Covid-19.

    Tiến sĩ Rhia Kundu, Viện Tim phổi Quốc gia Imperial, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: "Không phải lúc nào tiếp xúc với nCoV cũng dẫn đến dương tính. Ở một số người, chúng tôi phát hiện lượng tế bào T tồn tại từ trước, được tạo ra vì cơ thể nhiễm virus corona cảm lạnh, có thể chống lại Covid-19".

    Cụ thể, những người này đã tiếp xúc với các mầm bệnh từ virus corona khác và có "trí nhớ miễn dịch". "Trí nhớ của tế bào T" sinh ra khi một số người mắc cảm cúm, có thể được kích hoạt lại lúc tiếp xúc với nCoV. Tế bào miễn dịch nhận diện được protein trong bộ máy sao chép của các virus corona nói chung, phản ứng đủ mạnh để đẩy lùi mầm bệnh ở giai đoạn sớm nhất.

    Như vậy, những người này (F1) loại bỏ virus khỏi cơ thể trước khi nó gây ra bất cứ tổn thương nào. nCoV không tồn tại trong niêm mạc (mũi hoặc họng) đủ lâu để phát triển thành triệu chứng. Hệ miễn dịch cũng không cần tiết kháng thể, dẫn đến kết quả test nhanh hay PCR đều âm tính.

    Ông Kundu nhận định đây là một phát hiện quan trọng, song cũng cảnh báo tế bào T chỉ là một hình thức bảo vệ. "Tôi nhấn mạnh không ai phụ thuộc hoàn toàn vào điều này. Cách tốt nhất để bảo vệ bản thân trước Covid-19 vẫn là tiêm phòng đầy đủ, tiêm cả liều tăng cường", ông nói.

    Lawrence Young, giáo sư về ung thư tại Đại học Warwick, chung quan điểm với tiến sĩ Kundu, rằng nhiều người có miễn dịch tự nhiên sau các lần mắc cảm lạnh thông thường. Khoảng 20% số ca cảm lạnh là do virus chủng corona. "Song chưa rõ vì sao những người này duy trì mức độ miễn dịch chéo đó lâu đến vậy", ông nói.

    Vai trò của vaccine

    Giống với miễn dịch tự nhiên, tiêm chủng cũng là yếu tố lớn quyết định nguy cơ lây nhiễm nCoV của nhiều người. Các nước có chương trình tiêm chủng khác nhau về thời gian, số liều và loại vaccine sử dụng. Một số nước đã tiêm phòng rộng rãi cho trẻ nhỏ, chạy đua để bảo vệ càng nhiều người càng tốt trong bối cảnh biến chủng Omicron lây truyền nhanh, gây triệu chứng nhẹ.

    Vaccine Covid-19 giúp giảm số ca chuyển nặng, nhập viện và tử vong, phần lớn hiệu quả với các biến chủng virus. Tuy nhiên, vaccine không có tác dụng 100% trong ngăn ngừa lây nhiễm. Khả năng miễn dịch từ các mũi tiêm cũng suy yếu theo thời gian. Omicron là biến chủng có thể trốn tránh hàng rào kháng thể.

    Andrew Freedman, học giả về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Đại học Cardiff, nhận định một số người không mắc Covid-19 do đã tiêm chủng, từng nhiễm nCoV trước đó hoặc cả hai.

    "Chúng tôi biết rằng nhiều người vẫn nhiễm Omicron dù đã tiêm vaccine và cả liều nhắc lại (hầu hết triệu chứng nhẹ). Tuy nhiên, tiêm phòng vẫn làm giảm nguy cơ nhiễm biến chủng. Bên cạnh đó, thể trạng mỗi người cũng khác nhau. Một số người nhiễm virus, số khác thì không dù virus lan nhanh trong cộng đồng", ông nói.

    Theo giáo sư Young, phản ứng miễn dịch từ những lần nhiễm virus corona dạng cảm lạnh trước đó, cộng thêm hiệu quả từ ba liều vaccine giúp nhiều người không mắc Covid-19 dù tiếp xúc F0. Ông cho rằng nghiên cứu sâu hơn về khái niệm "miễn nhiễm nCoV" giúp giới khoa học hiểu thêm về phản ứng miễn dịch nói chung.

    "Cần biết những khía cạnh nào của phản ứng miễn dịch chéo này là quan trọng nhất. Các thông tin như vậy có thể được sử dụng làm tiền đề phát triển loại vaccine phổ quát chống virus corona", ông nói.

    [​IMG]
    Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho học sinh tại trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1, TP HCM, ngày 27/10/2021. Ảnh: Thành Nguyễn

    Yếu tố di truyền

    Giả thuyết khác là một số người sở hữu bộ gene có cơ chế kháng virus. Tháng 1/2021, chuyên gia Đại học New York và Trường Y Icahn tại Mount Sinai xuất bản một nghiên cứu trên tạp chí Cell cho thấy gene RAB7A ở người là thành phần quan trọng nCoV sử dụng để xâm nhập tế bào.

    RAB7A tồn tại trong thụ thể (protein) ACE2. Khi virus lây nhiễm, đầu tiên chúng gắn protein gai của mình với thụ thể này. Ở một số người, đột biến gene RAB7A khiến thụ thể ACE2 không hoạt động. Vì vậy, nCoV không tìm được nơi để gắn kết và đi vào tế bào.

    Giới chuyên gia từng ghi nhận hiện tượng này ở người nhiễm HIV. Họ xác định đột biến hiếm gặp đã vô hiệu hóa thụ thể CCR5 ở các tế bào bạch cầu, ngăn virus xâm nhập.

    Câu hỏi tiếp theo được đưa ra là vì sao có người chuyển nặng rất nhanh sau nhiễm virus, số khác không có triệu chứng. Để giải đáp bí ẩn đó, giáo sư Danny Altmann và các đồng nghiệp đã thực hiện nghiên cứu về mối quan hệ giữa di truyền và hệ miễn dịch. Nghiên cứu tập trung phân tích sự khác biệt về các gene HLA (kháng nguyên bạch cầu) và xem xét chúng ảnh hưởng thế nào đến phản ứng miễn dịch với Covid-19 của một người.

    Họ nhận thấy một số gene HLA cụ thể quyết định mức độ triệu chứng của bệnh nhân. Ví dụ, những người có gene HLA-DRB1 * 1302 nhiều khả năng biểu hiện triệu chứng hơn.

    Kết quả âm tính giả

    Theo một số chuyên gia, các F1 xét nghiệm nhiều lần âm tính có thể do kết quả sai lệch. Trong nghiên cứu của Đại học Hoàng gia Anh, các chuyên gia đã cho 36 thanh niên khỏe mạnh chủ động lây nhiễm virus. Song chỉ một nửa trong đó có kết quả dương tính.

    Các tình nguyện viên được tiêm cùng một lượng virus rất thấp và xét nghiệm lấy dịch mũi trong khoảng hai tuần. Trong số 18 người dương tính, 16 người tiếp tục có biểu hiện như cảm lạnh nhẹ, gồm ngạt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi và đau họng.

    Thời gian trung bình từ lần đầu tiếp xúc virus đến khi khởi phát triệu chứng là 42 giờ, ngắn hơn đáng kể so với ước tính thông thường (ủ bệnh 5 đến 6 ngày). Sau giai đoạn này, tải lượng virus trong các mẫu gạc lấy từ mũi hoặc cổ họng đã tăng mạnh. Nồng độ virus đạt đỉnh trung bình vào khoảng 5 ngày sau khi nhiễm.

    Virus phát triển và đạt đỉnh ở cổ họng sớm hơn đáng kể so với mũi. Vì vậy, trong giai đoạn đầu phơi nhiễm, nếu chỉ xét nghiệm dịch mũi, rất có khả năng F0 sẽ nhận kết quả âm tính giả.

    Thục Linh (Theo CNBC, Stat)
     
  2. Uppp
     

Chia sẻ trang này