Cơ quan chức năng Lào Cai xác định xưởng sản xuất axit sunfuric gặp trục trặc dẫn đến việc cây cối bị cháy, táp lá hàng loạt. Sự kiện: Tin nóng, Lào Cai Liên quan đến vụ việc hàng loạt cây trồng ở xã Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) bị cháy, táp lá, ngày 1/6, ông Vũ Đình Thủy – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai cho biết, đoàn công tác vẫn đang tiếp tục rà soát, đánh giá cụ thể nguyên nhân của vụ việc. Cây trồng tại xã Phú Nhuận cháy, táp lá hàng loạt. Ảnh: Báo Lào Cai Theo kết quả kiểm tra, rà soát, phân tích, đánh giá của Đoàn kiểm tra liên ngành, UBND tỉnh Lào Cai thông báo nguyên nhân ban đầu như sau: Trong quá trình hoạt động sản xuất tại Nhà máy sản xuất DAP số 2, vào thời điểm ca sáng ngày 24/5/2022 đã phát hiện sự bất thường. Xưởng SA (xưởng sản xuất axit sunfuric) có dao động về chỉ số công nghệ, nhưng công nhân trực ca đã phát hiện chậm dẫn đến hệ thống chuyển hóa và hấp thu khí chưa triệt để làm tăng lưu lượng khí thải xưởng SA ra môi trường. Sau khi phát hiện sự cố, công nhân trực ca đã điều chỉnh đưa dây chuyền sản xuất về trạng thái vận hành bình thường. Tính đến ngày 30/5, UBND huyện Bảo Thắng đã thống kế sơ bộ được 289 hộ gia đình, cá nhân có cây trồng bị ảnh hưởng với diện tích 339ha. PGS Trần Hồng Côn - Khoa Hóa Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Đại học Quốc gia HN Trao đổi thêm với PV, PGS.TS Trần Hồng Côn – Khoa Hóa (Trường Đại học khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, sự cố tại Lào Cai là rò rỉ hơi tại tháp hấp thụ axit của xưởng sản xuất. Thông thường, hơi tại tháp hấp thụ này là SO2 (anhydride sunfurơ) và SO3 (anhydride sunfuric). Cả 2 hơi đều là oxit axit, khi gặp hơi nước hoặc nước sẽ tạo thành axit sunfurơ và axit sunfuric. “Nếu nơi nào gặp hơi này hầu hết thực vật bị cháy hoặc chết do axit sunfurơ và axit sunfuric. SO3 mạnh hơn SO2, nếu lượng axit thoát ra ngoài càng nhiều thì tác hại càng lớn. Người nếu hít phải hơi SO3 lập tức ho và sặc vì đây là axit rất mạnh. SO2 đỡ hơn, người hít phải sẽ cảm thấy hắc và bị khó thở. Về lâu dài, các axit này gây tác động nguy hại phế nang trong phổi và nguy cơ bệnh về đường hô hấp. Ngoài ra, da người mà tác động với hơi axit sẽ gây ngứa ngáy, nổi mề đay đỏ…”, PGS. TS Côn chia sẻ. "Ông già Ozon" Nguyễn Văn Khải. Ảnh: TPO Cùng quan điểm, TS Nguyễn Văn Khải – người được mệnh danh là “ông già Ozon” cho hay, việc hơi axit sunfuric thoát ra ngoài môi trường gây nguy hại rất lớn cho con người. Nó gây các bệnh về mắt, phổi, da, gây lở loét. “Các khí này khi thoát ra ngoài môi trường sẽ lưu lại một phần trong không khí. Con người hít phải sẽ mắc bệnh về mắt, phổi. Khi gặp mưa nó sẽ tạo thành axit, điều đó lý giải vì sao nhiều người ở gần các nhà máy sản xuất lưu huỳnh đều cảm thấy ngứa đầu khi đi dưới trời mưa. Bên cạnh đó, axit ngấm vào đất, vào cây gây hỏng cây, hỏng đất”, TS Khải cho biết. "Ông già Ozon" chia sẻ thêm, nếu người dân thường xuyên ngửi thấy mùi hắc, khét, cây cối có biểu hiện táp, cháy lá tức là xưởng sản xuất axit sunfuric gần đó có vấn đề. Có thể xưởng đó không lọc hơi trước khi thải ra môi trường hoặc hệ thống chuyển hóa, hấp thu khí gặp trục trặc. Vì thế, cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ tại những nhà máy, xưởng sản xuất này để đảm bảo an toàn cuộc sống cho người dân. Trước đó, sáng 24/5, người dân tại xã Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) thấy một luồng khí trắng bay ra từ phía khu công nghiệp Tằng Loỏng về phía khu dân cư. Sau đó, người dân thấy không khí có mùi khét gây khó chịu, khó thở, thậm chí có người bị nôn, ngất xỉu. Đến chiều cùng ngày, người dân phát hiện các loại cây trồng bị cháy, táp lá. Ngày 25/5, một đoàn công tác do Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Lào Cai Vũ Đình Thủy chủ trì đã về làm việc với người dân. Qua khảo sát, hiện tượng cây trồng bị cháy, táp lá xuất hiện theo vệt từ khu vực nhà máy tuyển quặng Apatít Tằng Loỏng, giáp xưởng sản xuất SA của nhà máy sản xuất DAP số 2 - Vinachem, kéo dài sang khu vực nhà máy sản xuất tấm nhựa của Công ty Công ty Tân Hưng Thịnh và đến khu vực thôn Phú Hà 1 (xã Phú Nhuận).